Nhà sư triệu view Giác Minh Luật nói về tình yêu và sự cô đơn
Sư Giác Minh Luật là vị sư trẻ (sinh năm 1992), tác giả của nhiều cuốn sách như Chú tiểu Pháp Đăng, Nếu trở thành tu sĩ, Khổ răng mà khổ rứa, Cho nhẹ lòng nhau… Mới nhất, sư vừa ra mắt Vẻ đẹp của sự cô đơn do NXB Phụ nữ Việt Nam và SkyBooks ấn hành, thu hút độc giả, đặc biệt người trẻ.
Chỉ sau 5 ngày phát hành, cuốn sách đã được tái bản, với 5.000 bản in đầu tiên. Nói với VietNamNet, nhà sư trẻ chia sẻ:
- Tôi may mắn được xuất gia năm lên 10 tuổi, tại tịnh xá Ngọc Minh (Bình Thuận), hiện nay tôi tu học tại Như Lai Thiền Tự, San Diego, California, Hoa Kỳ.
Ngoài việc tu tập là chính, tôi cũng đang bắt đầu theo học chương trình tiến sĩ, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nhân Sinh, viết sách và tham gia chia sẻ, nói chuyện, truyền cảm hứng cho các bạn trẻ tại các chùa, các trường đại học… tại Việt Nam.
*Cô đơn thực ra là điều mà ai cũng trải qua. Đó có thể là không có ai đi cùng mình hoặc có người đồng hành nhưng họ không hiểu mình.
Theo sư, nỗi cô đơn của không có ai, với có người bên cạnh nhưng không cùng chung tiếng nói, hướng nhìn, cái nào khổ hơn?
- Cô đơn đôi khi không phải một mình, mà có khi sống chung với những người không hiểu mình mới thật sự cô đơn.
- Đau khổ nhất là khi cô đơn trong một cuộc tình, nhớ ai đó mà không được người ta nhớ lại mới thật sự cô đơn.
Tự cột trói bản thân mình vào một mớ cảm xúc hờn ghen, thất tình, phụ bạc, không cùng chung tiếng nói, hướng nhìn, “đồng sàng dị mộng”, lúc nào cũng trong trạng thái cần người thấu hiểu, quan tâm, thương hại thì đó mới chính cô đơn.
Còn nếu bản thân đã có khả năng làm bạn với chính mình, ta chấp nhận cô đơn như một phần rất tự nhiên trong cuộc sống của mình thì việc sống một mình chưa chắc đã gọi là cô đơn.
Nên cô đơn không phải là không có ai mà là với ai. Nếu với người không xứng đáng thì sống một mình vẫn là sự lựa chọn tốt hơn.
* Sư tiếp xúc nhiều với người trẻ, đi nhiều, từ Á, sang Mỹ… Vậy sư thấy giới trẻ ngày nay cô đơn vì điều gì? Họ chọn cách sống một mình vì ngại yêu, sợ yêu và đó có phải là sự ích kỷ không?
- Tôi thấy giới trẻ ngày nay cô đơn vì không tìm được động lực, mục đích và giá trị sống. Vì vậy, họ gặm nhấm thời gian vào những chuyện vô ích, hưởng thụ. Họ luôn tự cho mình là người trải đời, bất cần đời, mình bất hạnh, mình đáng thương nên không xứng đáng có được một ước mơ, hay một tình yêu đích thực.
Họ quay lưng với những giá trị sống, tự đánh mất đi niềm tin vào tình yêu, vào con người. Tôi gọi đó chính là những người trẻ thật sự cô đơn, họ mượn cô đơn như một lý do để lấp liếm cho những nhu cầu buông thả, ích kỷ và yếu kém của bản thân.
Việc chọn cách sống một mình không phải là ích kỷ. Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có nói: “Xin cho cô đơn vào tuổi này”.
Cô đơn theo nghĩa này thì không phải là ích kỷ, mà là để mình có thêm thời gian chủ động cảm xúc, thấy rõ chính mình và mang lại những giá trị đóng góp ưu tiên khác cho bản thân như: Kỹ năng, sự nghiệp, gia đình và các mối quan hệ.
Không dành thời gian cho một người thì mình có thêm thời gian dành cho tất cả mọi người. Đó không thể gọi là ích kỷ mà là khéo léo lựa chọn điều phù hợp nhất cho bản thân trong từng giai đoạn. Một mình vẫn được, có hạnh phúc là được.
* Thực ra, tình yêu là chuyện muôn thuở của nhân sinh. Nhưng nhà sư (được xem là người đoạn tuyệt với tình cảm lứa đôi) thì làm sao sư có thể tháo gỡ chuyện yêu đương cho người trẻ khi mình không trải nghiệm?
- Tôi không dạy người trẻ cách yêu, tôi chỉ khuyên người trẻ cần có sự tỉnh thức khi yêu. Đạo Phật gọi đó là chánh niệm, là thấu hiểu. Nếu nói tôi không có trải nghiệm thì không đúng. Vì mỗi người đều có những trải nghiệm riêng, trong cuộc hay ngoài cuộc, ít hay nhiều. Đức Phật dạy: “Không có khổ nào bằng khổ của ái tình”. Tôi chỉ muốn nhắc đi nhắc lại về điều đó, để giúp cho các bạn cần có cái nhìn thoáng hơn.
Tôi không có khả năng chữa lành cho ai cả, khi chính bản thân tôi cũng đầy thương tích. Tôi chọn tình yêu như chiếc cầu nối cảm thông, dễ hiểu, dễ nghe, dễ tìm thấy nhau trong các buổi nói chuyện. Nó xuất phát từ tình thương, tôi thương các bạn như thương chính mình.
Tôi chỉ muốn giữ vai trò người ngoài cuộc để quan sát, để đồng cảm, để đưa ra những hướng giải quyết tốt hơn cho những bế tắc. Từ thất niệm khi yêu, tôi khuyên các bạn cần có chánh niệm. Từ vị kỷ điên cuồng chiếm hữu, tôi khuyên các bạn cần có sự thấu hiểu, cảm thông. Mục đích của tôi đơn giản chỉ có vậy.
* Có nhiều nhận xét cho rằng giới trẻ ngày nay “yêu cuồng, sống vội”. Sư có đồng tình không?
- Tôi đồng tình với quan điểm này. Bởi ngày nay người ta dễ tìm thấy nhau qua các app hẹn hò, dễ buông ra những lời hẹn thề chỉ sau vài lần gặp mặt, vài tấm hình đã qua chỉnh sửa. Họ cảm thấy có nhiều sự lựa chọn hơn, họ coi thường những mối quan hệ lâu dài và một tình yêu đích thực.
Từ đó họ “yêu cuồng, sống vội”, dễ dàng chia tay chỉ sau một vài lần hiểu lầm, một vài câu nói, một vài chuyện hờn ghen vặt vãnh tầm thường. Họ đánh mất niềm tin trong tình yêu sau những mối tình. Họ tự cho mình cái quyền chủ động bắt đầu, chủ động kết thúc.
HẠNH PHÚC Ở NƠI ĐÂU
* Và hạnh phúc vốn là điều mà bất kỳ ai cũng mong có, nhưng có khi càng mong lại càng xa. Làm sao để kiến tạo hạnh phúc và giữ nó ở bên mình thật lâu, thưa sư?
- Tôi thấy hạnh phúc là một hiện thực, chứ không phải là một nhu cầu. Người ta thường cảm thấy hạnh phúc chứ không phải tìm thấy hạnh phúc. Thiền sư Thích Nhất Hạnh có dạy: “Hạt giống của sự khổ đau trong bạn có thể rất mạnh mẽ, nhưng đừng đợi tới khi không còn đau khổ nữa bạn mới cho phép mình hạnh phúc”.
Chúng ta cứ mong cầu hạnh phúc ở đâu đâu mà đánh mất đi những niềm vui trong hiện tại. Chỉ khi nào chúng ta thực sự để tâm, thì mới có thể cảm nhận được.
Người có tỉnh thức chính là người có hạnh phúc, bởi họ luôn quan sát, trân trọng và gìn giữ những giá trị hạnh phúc bên cạnh dù rất nhỏ như: một bữa ăn với gia đình, một công việc ổn định, một người thương, một nụ cười hay chỉ đơn giản là một lời nói từ ái, một hành động yêu thương.
Tôi thấy có những người hạnh phúc không phải vì họ sở hữu quá nhiều mà bởi vì họ đòi hỏi ít.
Nếu chúng ta biết nhìn nhận hạnh phúc như việc hứa với bản thân biết tận hưởng những phút giây được sống mỗi ngày, biết buông bỏ những thứ không đáng có thì ta sẽ có được những hạnh phúc bền lâu.
* Nhiều bạn đọc rất thích chia sẻ của sư là nếu không thương mình thì thương ai cũng là sai. Nhưng thương mình đúng cách đâu phải ai cũng biết?
- Nhiều bạn nói thương mình là ích kỷ, tôi thấy các bạn lẫn lộn với khái niệm thương mình và vì mình. Người biết thương mình là người sống có hiểu biết, có chiều sâu, có khả năng tự chăm sóc thân tâm của mình.
Nếu ta không biết tôn trọng mình thì làm sao có thể bắt người khác tôn trọng mình. Nếu ta không biết yêu thương mình thì lấy gì để có thể yêu thương người khác.
Tôi gọi đó là tình si chứ không phải là tình yêu. Tự đốt cháy đời mình, cuồng si, mê muội, bất chấp hết tất cả để trao hết yêu thương cho một ai đó thì chỉ là sự cố chấp, lợi dụng, là những hệ lụy do thiếu hiểu biết gây nên.
Người biết thương mình đúng cách là người biết tự xây dựng cho mình một nền tảng đạo đức vững chãi, biết làm chủ cảm xúc, tri thức, kỹ năng và sự nghiệp, biết quay về với gốc rễ tâm linh, biết trao gửi yêu thương cho những người thật sự xứng đáng và biết buông bỏ đúng lúc khi cảm thấy không còn tôn trọng nữa.
* Cá nhân sư đã tập thương mình và yêu thương mọi người ra sao?
- Tôi tập thương mình bằng cách nỗ lực rèn luyện, học tập, làm việc và phấn đấu để bản thân hoàn thiện hơn mỗi ngày. Tôi luôn chủ động trong mọi cảm xúc, tôi tập nhìn người, nhìn vật đến và đi như một lẽ tự nhiên không chống đối, phán xét hay lên án bất kỳ ai.
Thay vào đó, tôi tự nhìn lại chính mình, thấy rõ những khuyết điểm, yếu kém của bản thân để tự rút ra những bài học cho sự trưởng thành trong suy nghĩ, trong hành động.
Tôi mang sự thực tập của mình ra chia sẻ và giúp đỡ mọi người trong tình yêu thương chân thật, giản dị và hồn nhiên nhất.
Tôi mong muốn ai cũng được yêu thương, được phần nào vơi đi những nỗi khổ niềm đau bằng chính nụ cười, quyển sách, những buổi nói chuyện, cái chắp tay hay chỉ là sự tươi mát thoáng qua.
Đó là những gì mà trong khả năng tôi có thể làm được. Nhờ đó mà tôi lại có thêm niềm vui sống cho chính mình.
GIỮ MÌNH TRÊN CÕI MẠNG
* Có thể nói, sư Giác Minh Luật đang nổi tiếng và được nhiều bạn trẻ ngưỡng mộ, yêu mến, với gần 3 triệu tài khoản theo dõi kênh TikTok. Điều này là động lực hay áp lực đối với sư?
- Tôi thấy nó vừa là động lực, vừa là áp lực. Việc lập kênh TikTok là một nhân duyên rất tình cờ do các bạn trẻ lập ra cho tôi, các bạn chủ động “edit” và làm các video ngắn từ các bài chia sẻ của tôi tại các chùa, các khóa tu hay các trường đại học.
Tôi chỉ muốn lan tỏa những giá trị đạo đức, dễ hiểu, dễ tiếp cận cho mọi thành phần, mọi lứa tuổi và đặc biệt là những bạn trẻ không biết gì về Phật giáo, các bạn thuộc tôn giáo khác… cũng có thể dễ dàng tiếp cận một cách dễ nghe, dễ hiểu nhất.
Tôi bắt đầu làm những điều đó bằng lý tưởng, bằng mục đích rất đỗi hồn nhiên là đóng góp, là phụng sự, giúp cho người trẻ có thêm nụ cười, cái nhìn đúng đắn hơn về tình yêu, về gia đình và cuộc sống.
Nên tôi cũng không hề nặng nề về việc phải nổi tiếng, phải thành công, phải đưa ra những chỉ tiêu về rating, trending… Tôi cứ để mọi thứ diễn ra một cách tùy duyên mà ứng biến, mà phụng sự.
* Người của công chúng vẫn thường bị soi mói, chỉ trích. Từng có những tu sĩ bị cộng đồng soi như thầy Heamin (Hàn Quốc) đến mức phải đóng tất cả kênh truyền thông của mình. Sư làm gì để bảo hộ mình giữa cõi mạng đầy ắp thị phi này?
- Thầy Heamin là vị thầy mà tôi rất tôn trọng, vì thầy đã mang đến cho giới trẻ những quyển sách được viết ra theo một cái nhìn rất mới, rất hiện đại, rất sâu sắc về cuộc đời, về tình yêu và đạo Phật. Tôi tôn trọng những con người như vậy, dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân. Tôi thấy họ rất cô đơn, cô đơn trong chính tâm nguyện của mình.
Bản thân tôi ít khi chủ động đọc comment hay tin nhắn của ai đó khi nói về mình. Những gì mà tôi cố gắng nỗ lực đóng góp cho xã hội, cho tuổi trẻ, cho Phật giáo là cả một quá trình rất dài trên nhiều lĩnh vực chứ không chỉ dừng lại ở vài câu nói, vài đoạn video được cắt ghép, không đầu, không đuôi của một ai đó mà người ta vội buông lời kết luận, phán xét.
Những gì tôi đã nói, đã làm trong suốt quá trình tu học và phụng sự đã là câu trả lời cho tất cả những gì tôi muốn gửi gắm.
Còn ai đó muốn hiểu theo cách của họ, hoặc cố tình gán ghép, định hướng dư luận thì đó là quyền thể hiện quan điểm cá nhân của mỗi người.
Tôi tâm niệm, những người không thương mình là do họ không hiểu mình mà thôi. Thay vì dùng thời gian và năng lượng vào những điều tiếng trên mạng, tôi dùng nó vào những việc khác như viết sách, học tập, tổ chức khóa tu hoặc là đi đây đó để giao lưu, khám phá thế giới bên ngoài bằng những chuyến đi xa.
Tôi thuộc tiếp người rất hồn nhiên, lạc quan và yêu đời. Có lẽ nhờ đó mà tôi có thêm sức mạnh để vượt qua những khó khăn, thử thách.
Tôi hơi bị chủ quan trong suy nghĩ, coi vạn sự đến - đi, được - mất, buồn - vui, vinh - nhục chỉ là sự trải nghiệm, có cũng được, không có cũng không sao. Nhờ vậy mà tôi thấy mình trưởng thành thêm lên.
* Cảm ơn sư đã chia sẻ chân tình. Kính chúc sư tiếp tục tu học tinh tiến và là nguồn năng lượng tích cực để bạn trẻ nghĩ về và thấy hoan hỷ!
Bài: Lưu Đình Long
Ảnh: Nhân vật cung cấp
Thiết kế: Phạm Luyện
Nguồn: https://vietnamnet.vn/nha-su-trieu-view-giac-minh-luat-noi-ve-tinh-yeu-va-ve-dep-cua-co-don-2142335.html
Bài viết liên quan
Xanh Lam của Lam: Từ bộc lộ cá nhân đến ‘đại diện’ cảm xúc
SVVN - Fanpage Xanh Lam gây ấn tượng trong lòng độc giả không chỉ bởi nội dung ấm áp cùng năng lượng tích cực mà còn bởi những bức vẽ với màu sắc tươi tắn, truyền tải thông điệp ‘chữa lành’ như nhắ...
Bật mí về nhà sư nổi tiếng có sách hút triệu view
Lời tòa soạn Cuối năm 2023, Hội Xuất bản Việt Nam và TikTok Việt Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác để bảo vệ bản quyền và phát triển thị trường sách trên nền tảng thông qua dự án #BookTok. Thỏa thu...
Tuổi trẻ thăng trầm mà đáng nhớ
Nguồn: https://tuoitre.vn/tuoi-tre-thang-tram-ma-dang-nho-20231217210316693.htm Tuổi trẻ có những thăng trầm giúp mình trưởng thành hơn là thông điệp được tác giả Tun Phạm gửi gắm qua quyển sá...